CÓ NÊN CHẤP NHẬN CÔNG TY TÀI CHÍNH LÀ NGÂN HÀNG THU HỘ TRONG GIAO DỊCH NHỜ THU CHỨNG TỪ?

CÓ NÊN CHẤP NHẬN CÔNG TY TÀI CHÍNH LÀ NGÂN HÀNG THU HỘ TRONG GIAO DỊCH NHỜ THU CHỨNG TỪ?

QUESTION

Dear Mr. Old Man,

Tôi có khách hàng xuất khẩu họ muốn thực hiện giao dịch nhờ thu chứng từ trả ngay D/P với đối tác có mở tài khoản tại công ty tài chính.

Tôi rất băn khoăn không biết công ty tài chính có thể là ngân hàng thu hộ theo URC522 hay không? Nếu có thì căn cứ điều khoản nào?

Rất mong Mr. Old Man tư vấn giúp trường hợp này.

Cảm ơn Mr. Old Man.

Trân trọng,

TC

ANSWER

Hi,

Về tình huống câu hỏi, tôi khuyên nhà xuất khẩu và cả ngân hàng bạn phải hết sức cẩn thận với thương vụ xuất khẩu thanh toán bằng phương thức nhờ thu này với mấy điểm cần lưu ý như sau:

1/ Về pháp lý, công ty tài chính phi ngân hàng (non-bank financial company) không phải là ngân hàng. Ở một số quốc gia,  công ty tài chính phi ngân hàng vẫn có thể cung cấp một số dịch vụ tài chính tương tự ngân hàng như cho vay. Tuy nhiên, công ty tài chính phi ngân hàng thường không được phép huy động tiền gửi cá nhân và cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Quy định tại Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam là một ví dụ về việc cấm các tổ chức tín dụng phi ngân hàng huy động tiền gửi cá nhân và cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.

2/ URC 522 chỉ dùng thuật ngữ “Bank” như “Remitting Bank” (Ngân hàng chuyển chứng từ), “Presenting Bank” (Ngân hàng xuất trình) và “Collecting Bank” (Ngân hàng thu hộ), chứ không dùng thuật ngữ “non-bank financial company”.

Trong giao dịch LC, ICC có văn bản cho rằng công ty tài chính phi ngân hàng có thể phát hành LC thông qua Swift MT710. Tuy nhiên, không tìm thấy tài liệu nào của ICC quy định cho phép công ty tài chinh phi ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng thu hộ trong giao dịch nhờ thu chứng từ. Trong suốt 30 năm làm việc tại ngân hàng, tôi cũng chưa từng gặp hoặc xử lý giao dịch nhờ thu chứng từ với công ty tài chính phi ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng thu hộ.

3/ Phương thức thanh toán nhờ thu chứng từ thường chỉ áp dụng đối với các giao dịch giá trị thấp với đối tác nhập khẩu truyền thống, có uy tín trong thanh toán bằng các phương thức thanh toán khác như trả trước tiền hàng hay LC.

Tình huống câu hỏi cho thấy nhà nhập khẩu có vẻ là đối tác mới giao dịch lần đầu với nhà xuất khẩu lại chỉ có quan hệ tài khoản với công ty tài chính chứ không phải là ngân hàng nhưng lại thỏa thuận thanh toán bằng phương thức nhờ thu chứng từ là rất rủi ro.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đều phải duy trì tài khoản tiền gửi/thanh toán tai ngân hàng. Việc nhà nhập khẩu khăng khằng yêu cầu chứng từ nhờ thu phải được gửi đến công ty tài chính thay vì đến ngân hàng cho thấy giao dịch này có dấu hiệu lừa đảo hết sức đáng ngờ.

Vụ một số doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam bị lừa gần 100 container hạt điều trị giá khoảng 20 triệu đô la Mỹ khi xuất sang Ý hồi đầu tháng 3/2022 là bài học kinh nghiệm đắt giá các nhà xuất khẩu Việt Nam cần nghiên cứu để tránh rơi vào tình huống tương tự. Tôi có bài viết về vụ này đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính-Tiền tế số 22 (607) năm 2022 và LC Monitor, có thể đọc ở đây: https://nhducdng.wordpress.com/2022/11/01/bai-hoc-kinh-nghiem-tu-vu-lua-dao-xuat-khau-hat-dieu/

4/ Các ngân hàng (kể cả ngân hàng bạn) thường không có quan hệ đại lý (bao gồm RMA – Swift Relationship Application) với công ty tài chính phi ngân hàng, do vậy, không thể xác thực tính chân thực của các điện giao dịch/thanh toán giữa công ty tài chính phi ngân hàng và ngân hàng.

TÓM LẠI

Trên cơ sở phân tích trên đây, tôi khuyên nhà xuất khẩu tốt hơn hết là KHÔNG CHƠI VỚI ĐỐI TÁC NÀY.

Best regards,

Mr. Old Man

Leave a comment