TRỞ LAI RÚ CẤM NAM Ô VỚI HUYỀN SỬ VỀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

TRỞ LAI RÚ CẤM NAM Ô VỚI HUYỀN SỬ VỀ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Sau gần 3 năm kể từ lần đầu đạp xe khám phá rú cấm Nam Ô và tìm hiểu về huyền sử Huyền Trân Công Chúa, chiều hôm qua Mr. Old Man đã có dịp trở lại rú cấm, và phát hiện Miếu vọng  Huyền Trân Công Chúa vẫn ở đó lặng lẽ trong um tùm cây lá nhưng lại được rào quanh bằng lưới thép.

Chắc có lẽ sau khi trùng tu và xây dựng lại hàng loạt di tích của làng chài cổ tồn tại hơn 700 năm này như Miếu Bà Liễu Hạnh và Huyền Trân Công Chúa, Lăng Ông Ngư, Dinh Cô Hồn, giếng cổ Chăm …, thành phố Đà Nẵng dường như đã nhận ra Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa là một di tích quý lịch sử – văn hóa quý, có giá trị về nhiều mặt và có ý định sẽ trùng tu, tôn tạo chăng (?)  Nếu đúng vậy thì quả là một tin vui bởi di tích Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa xứng đáng là một phần lịch sử của làng chài Nam Ô nhưng hầu như bị bỏ quên trong rú cấm Nam Ô quá lâu.

󠆼

Rú cấm Nam Ô ẩn chứa nhiều câu chuyện đượm màu sắc tâm linh và huyền bí, trong đó có câu chuyện về Huyền Trân Công Chúa mà ngày nay dấu vết của bà còn lại nơi  chính là Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa.

Theo dã sử làng chài Nam Ô, Huyền Trân công Chúa được gã cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý nhưng chưa đầy một năm sau Chế Mân chết. Lo sợ Huyền Trân công chúa sẽ bị hỏa thiêu chết theo Chế Mân theo tập tục của người Chiêm Thành, vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung đem quân tới kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành để giải cứu Huyền Trân công chúa.

Sau khi vào viếng vua Chế Mân, Trần Khắc Chung xin phép đưa Công chúa Huyền Trân được ra bờ biển làm lễ đàn bái vọng quê hương trước khi lên giàn hỏa thiêu. Khi ra đến bờ biển, Công chúa Huyền Trân được đưa lên thuyền trốn khỏi Đồ Bàn. Trên đường trốn chạy tới vùng biển Nam Ô gặp mưa to gió lớn, thuyền quan quân Đại Việt và Huyền Trân công chúa buộc phải lưu lại rú cấm để trú ẩn. Sau đó, Trần Khắc Chung tiếp tục đưa Huyền Trân công chúa lên thuyền hướng về Đại Việt trong khi một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung cùng nhiều binh sĩ ở lại chặn đường đuổi theo của quân Chiêm Thành.

Đến nay ở mé biển sát chân rú cấm Nam Ô có một ngôi mộ mà người dân làng chài Nam Ô tin rằng đó là mộ của viên tùy tướng nhà Trần năm xưa và xem ông là “tiền hiền triệu cơ”, tức là “tiền hiền mở cõi” của làng chài.

Người Việt sau này trên con đường Nam tiến dừng chân tại Nam Ô lập nghiệp đã xây một ngôi miếu tưởng nhớ tới Huyền Trân Công chúa gọi là “Miếu vọng Huyền Trân công chúa”. Ngôi miếu hiện chỉ còn phế tích lẫn khuất đâu đó trong khu rừng cấm Nam Ô, chỉ có một vài người nghiên cứu lịch sử Nam Ô mới biết rõ lịch sử cũng như vị trí của ngôi miếu này.

󠆼

Đã từng nghe kể và bị hấp dẫn bởi nhiều câu chuyện huyền sử gắn liền với làng chài Nam Ô và rú cấm, gần 3 năm trước tôi đã đạp xe đến đây một mình lùng sục khắp rú cấm quyết tìm cho bằng được Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa và cả ngôi mộ của viên tùy tướng nhà Trần năm xưa.

Cứ liệu cho biết Miếu vọng Huyền Trân Công chúa nằm ở phía nam rú cấm gần mỏm Hạc phần nhô ra biển nhưng tôi phải quần tới quần lui đến lần thứ ba mới phát hiện ra.

Câu chuyện cũng có chút tâm linh. Số là sau lần thứ ba lần đi khắp các lối mòn trong rừng vẫn không tìm thấy, tôi định bỏ cuộc thì bất chợt phát hiện ra một tấm bia lớn như bức bình phong thường thấy ở trước các nhà vườn cổ ở Huế đứng lẫn trong um tùm cây lá cách lối mòn dẫn ra mỏm Hạc chưa đầy 3 m. Cảm xúc trong tôi chợt vỡ òa, đứng một mình giữa rú cấm hoang vắng, tôi chắp tay khấn tạ ơn Huyền Trân công chúa đã cho tôi vinh dự được diện kiến miếu vọng công chúa như mong muốn.

Niềm vui nhân đôi vì trước đó, khi đi dọc theo mé biển bên kia rú cấm tôi cũng đã tìm thấy một ngôi mộ lớn trên tấm bia có ghi “Tiền hiền chi mộ”. Không nghĩ đây là mộ của viên tùy tướng nhà Trần nhưng sau khi đối chiếu lại cứ liệu thì ngôi mộ tiền hiền này cũng chính là ngôi mộ được cho là của viên tùy tướng đã hi sinh khi chặn đường quân Chiêm Thành truy đuổi theo thuyền của Huyền Trân Công chúa.

LAST BUT NOT LEAST

Trở lại rú cấm Nam Ô chiều qua tôi đã phát hiện Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa vẫn hoang phế trong um tùm cây lá nhưng được rào quanh bằng lưới thép. Như đã nói ở phần mở đầu, dường như thành phố Đà Nẵng đã nhận ra đây là một di tích lịch sử – văn hóa quý giá cần được tôn tạo để phát huy giá trị về nhiều mặt của miếu vọng. Không biết bao giờ Miếu vọng Huyền Trân Công Chúa sẽ được tôn tạo nhưng hi vọng sẽ sớm thôi./.

——-

Mr. Old Man, 12.04.2024

Leave a comment